Nhựa tái sinh - Nguyên liệu nhựa thu gom và tái sử dụng
Ngày nay, nhựa là nguồn nguyên liệu khá phổ biến trong việc sản xuất, chế tạo các sản phẩm phục vụ cho đời sống con người. Trong đó, nhựa tái sinh được sử dụng cực kì phổ biến, vừa đảm bảo chất lượng, giá thành thấp vừa có thể giúp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường hiệu quả. Để hiểu rõ hơn về nguồn nguyên liệu nhựa này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết thông qua nội dung ngay sau đây các bạn nhé!
I. Tìm hiểu nhựa tái sinh là gì?
Tên gọi của nhựa tái sinh là Recyled Plastic Particles, là hạt nhựa có được sau quá trình tái chế các sản phẩm rác thải nhựa. Sau khi được thu gom, phân loại thì rác thải nhựa sẽ trải qua rất nhiều công đoạn như: nghiên nhỏ, làm sạch, nung chảy... Và cuối cùng là qua máy ép để trở lại dạng hạt nhựa hoặc dạng sợi nhựa.
Hạt nhựa tái sinh là gì?
Tùy thuộc vào quy trình, công nghệ sản xuất tái chế mà chất lượng hạt nhựa tái sinh thành phẩm sẽ có chất lượng khác nhau.
Đặc điểm của hạt nhựa tái sinh đó là tuy chất lượng không cao nhưng giá thành lại rất rẻ. Một số loại nhựa còn có thể tái chế, tái sử dụng nhiều lần giúp chúng ta tiết kiệm được tài nguyên, năng lượng sản xuất. Đặc biệt, việc tái chế sản xuất nhựa tái sinh cũng giúp tăng cường thu gom rác thải nhựa cũ, giảm lượng rác thải nhựa mới ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
II. Sự khác nhau giữa nhựa tái sinh và nguyên sinh
Để phân biệt nhựa tái sinh và nhựa nguyên sinh một cách chính xác, rõ ràng và dễ hình dung nhất chúng ta cần chú ý một số đặc điểm nổi bật như sau:
1. Phân biệt dựa vào nguồn nguyên liệu sản xuất
- Nhựa nguyên sinh: Là thành phẩm trong quá trình chưng cất dầu mỏ.
- Nhựa tái sinh: Là thành phẩm sau quá trình thu gom, làm sạch, nung chảy và tạo hình rác thải nhựa.
2. Sự khác nhau ở một số đặc tính vật lý, hóa học
- Nhựa nguyên sinh: thường có màu trắng tự nhiên, thành phần không pha tạp chất giúp sản phẩm sản xuất từ nhựa nguyên sinh có độ bền cao, bề mặt bóng đẹp, an toàn cho sức khỏe của con người, hầu hết các loại nhựa nguyên sinh đều có thể tái sử dụng, tái chế được.
- Nhựa tái sinh: nhựa tái sinh thường có màu trắng đục, ngã vàng hoặc một số màu sắc khác, thành phần nhựa vẫn chứa nhiều tạp chất, chất lượng sản phẩm từ nhựa tái sinh không cao. Một số loại nhựa tái sinh có thể gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người nếu tiếp xúc với thực phẩm, một số loại khác còn được các chuyên gia khuyến cáo không được tái sử dụng.
Hạt nhựa tái sinh có nhiều màu sắc theo nguyên liệu đầu vào
3. Khác nhau ở ứng dụng, sản xuất và chế tạo sản phẩm
- Nhựa nguyên sinh: Được dùng để sản xuất các sản phẩm có yêu cầu cao về chất lượng như vật tư, dụng cụ y tế, các sản phẩm dành cho trẻ em (đồ chơi, bình sữa...), các loại bao bì, hộp nhựa chuyên dùng đựng thực phẩm...
- Nhựa tái sinh: Được sử dụng để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho ngành xây dựng như cốp pha, ống dây điện, bọc dây điện,... một số đồ gia dụng như bàn ghế nhựa, chậu cây, bạt nhựa, bao bì nhựa...
III. Các hạt nhựa tái sinh được dùng phổ biến
Có khá nhiều loại nhựa được thu gom và tái chế thành hạt nhựa tái sinh và tái sử dụng để sản xuất thành những sản phẩm nhựa mới. Có thể kế đến một số loại như:
1. Hạt nhựa tái sinh PE (Polyethylen, Polyethene hoặc Polyethynen)
Hạt nhựa PE tái sinh được tái chế từ sản phẩm nhựa thu gom, rác thải nhựa có nguồn gốc từ nhựa PE nguyên sinh hoặc tái sinh. Vì có thể tái chế, tái sinh nhiều lần nên nhựa PE tái sinh khá phổ biến, chúng được dùng để sản xuất những sản phẩm cần độ linh hoạt, bền bỉ, dẻo dai như các loại bao bì, màng nhựa,...
2. Hạt nhựa tái sinh HDPE (High Density Polyethylen)
Là một trong những loại nhựa PE, nhựa HDPE (nhựa có tỉ trọng PE cao) được tái chế từ những sản phẩm nhựa như đường ống nước, bọc dây điện, cáp quang,... hạt nhựa HDPE tái sinh có thể được sử dụng để sản xuất bạt nhựa, bao bì nhựa, bọc dây điện, đường ống nước thải...
3. Hạt nhựa tái sinh PP (Polyepropylene)
Nhựa PP tái sinh được tái chế từ những rác thải nhựa có nguồn gốc từ nhựa PP, chúng có những đặc tính như dẻo dai, cứng, bền... Ứng dụng của hạt nhựa PP tái sinh có thể dùng để sản xuất bì nhựa, sản phẩm dệt may, các loại dây nhựa...
4. Hạt nhựa tái sinh ABS (Acrylonitrin Butadien Styren)
Được tái chế từ những sản phẩm nhựa thu gom tái chế có nguồn gốc từ nhựa ABS như linh kiện vỏ nhựa trong xe máy, ô tô, máy tính... Những hạt nhựa ABS tái sinh dù vẫn giữ được tính chất của nhựa ABS là dẻo dai, cứng và bền, chịu lực tốt, tuy nhiên sản phẩm từ hạt nhựa ABS sẽ có giá trị giảm đi rất nhiều so với nhựa nguyên sinh.
5. Hạt nhựa tái sinh PVC (Polivinyl Clorua)
Hạt nhựa PVC tái sinh là một sản phẩm nhựa có được từ quá trình tái chế các sản phẩm từ nhựa PVC nguyên sinh hoặc PVC tái sinh như ống nước, đường ống dẫn dầu, thiết bị điện hay chính các tấm nhựa PVC... Nhựa PVC tái sinh có thể được dùng để sản xuất đường ống dẫn nước thải, các tấm nhựa cứng, bạt nhựa, thiết bị điện...
6. Hạt nhựa tái sinh EPS (Expanded Polystyrene)
Là một sản phẩm nhựa tái chế từ các sản phẩm nhựa Polystyrene, hạt nhựa tái sinh EPS có đầy đủ các tính chất của loại nhựa này như bền, nhẹ, hấp thụ chấn động tốt, độ giãn nở tốt, chịu nén hiệu quả... Ứng dụng của nhựa EPS tái sinh có thể dùng làm các loại thùng mút, xốp để đựng sản phẩm, trái cây, thực phẩm, chế tạo các tấm vách cách âm, lõi của nón bảo hiểm...
IV. Một số điều bạn không biết về nhựa tái sinh
1. Mỗi nhà máy chỉ có thể tái sinh 1 hoặc 1 số loại nhựa nhất định?
Đúng vậy, vì quy trình tái chế các loại nhựa đều khác nhau nên mỗi nhà máy tái chế sản xuất hạt nhựa tái sinh thường chỉ có thể thực hiện tái chế một số loại nhựa nhất định. Sau khi phân loại các loại rác thải nhựa thì nhà máy chỉ giữ lại những loại nhựa mà mình có thể sản xuất nhựa tái sinh, những loại nhựa khác có thể bán đến những nhà máy, cơ sở khác có thể tái sinh loại nhựa đó.
2. Nhựa tái sinh có phải chỉ có 1 màu?
Không chính xác, nhựa tái sinh có thể có thể có rất nhiều màu từ nguồn nhựa rác thải nguyên liệu đầu vào. Những màu sắc này rất khó để xử lý nên nhựa tái sinh có thể có nhiều màu sắc khác nhau.
3. Nhựa tái sinh có an toàn cho sức khỏe con người không?
Không chắc chắn, tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu nhựa đầu vào có chất lượng hay đảm bảo an toàn hay không. Một số loại nhựa tái sinh nhiều lần, nhựa chứa nhiều chất phụ gia không an toàn, nhựa nhiễm độc kim loại nặng... sẽ không hề an toàn cho sức khỏe của con người. Những loại nhựa này thường chỉ được sử dụng để chế tạo các sản phẩm dùng trong sản xuất như linh kiện máy móc, bọc dây điện, pallet nhựa, tấm cốp pha trong xây dựng...
Thông qua bài viết ở trên, hi vọng rằng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về nhựa tái sinh - một nguồn nguyên liệu sản xuất chế tạo sản phẩm phổ biến và quan trọng trong đời sống của chúng ta. Ngoài ra, các bạn có thể tìm đến kênh tin tức của Thành Tiến Plastic để tìm hiểu thêm những thông tin, kiến thức bổ ích về ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ nhựa! Xin cám ơn!